Bánh mì là món ăn theo chân người Pháp vào Việt Nam. Qua quá trình biến tấu, kết hợp với nhiều thức ăn kèm đã tạo nên đặc trưng về mùi vị bánh mì ở từng vùng miền và đạt đến độ chuẩn món ăn đường phố. Với người dân Pleiku, một ổ bánh mì kẹp thịt đã trở nên quen thuộc. Vì thế, nếu đã đặt chân đến Phố núi xinh đẹp, mà ai đó lỡ quên thưởng thức ổ bánh mì kẹp thịt thì thật là đáng tiếc.
Ghé bất kỳ góc phố nào ở Pleiku, bạn đều tìm được một xe bánh mì hoặc một tiệm bánh mì nhỏ xinh xinh. Gọi ngay một ổ bánh đầy ắp nhân, ngồi xuống chiếc ghế nhỏ cùng ly cà phê buổi sớm thơm nồng, bạn sẽ thưởng thức trọn vẹn hương vị của bánh mì Phố núi.
Bạn đang xem: Tiệm bánh mì Gia Lai
Đôi khi, cái chuyện ăn của người dân nơi đây không chỉ bằng mắt mà còn bằng tất cả giác quan. Ăn bánh mì cũng thế, sống ở Pleiku cũng vậy. Không phải quán bánh mì nào cũng hạp gu, hạp nhãn. Thì cũng theo khẩu vị từng người, sự yêu thích, bình chọn riêng nữa. Nói đến ổ bánh mì kẹp thịt đặc sắc, không thể không nhắc đến bánh mì cô Thu (ngã tư Hùng Vương-Thống Nhất), bánh mì bà Nhứt (đường Trần Khánh Dư), bánh mì bà Mỹ (đường Đinh Tiên Hoàng), bánh mì Liên (đường Cách Mạng Tháng Tám), bánh mì Hạnh (đường Hai Bà Trưng)…
Ngay ngã tư Hùng Vương-Thống Nhất là tiệm “Bánh mì Thu”. Tiệm bánh có từ thập niên 70 của thế kỷ trước, truyền đến bây giờ là thế hệ thứ 4. Theo những người sành ăn thì bánh mì cô Thu đáp ứng đầy đủ yêu cầu và nằm ngay trung tâm thành phố. Tiệm hấp dẫn ngay ở phần nguyên liệu được xếp tăm tắp cùng khay bơ đánh bằng tay, từ trứng gà tươi và dầu ăn vàng bóng, tan chảy trên đầu lưỡi ngay miếng bánh đầu tiên. Hơn nữa, bánh ở đây vị pa tê thơm ngon và không hề ngấy. Thêm vào đó là chả lát, giò, sợi ruốc giòn dai, ngòn ngọt đi kèm vài lát dưa leo xắt dài, dưa chua giảm đi vị ngán hay hành ngò thêm chút thanh tao. Điểm xuyết thêm vài giọt nước sốt óng ánh màu nâu cánh gián được chủ quán làm theo công thức riêng. Tất cả hòa quyện tạo vị, tạo sắc, tạo hương và là địa chỉ được nhiều người lựa chọn cho vội vàng bữa sáng, nhẹ nhàng bữa trưa và thênh thang bữa tối.
Ổ bánh mì bà Nhứt (đường Trần Khánh Dư, TP. Pleiku).Ảnh: Ngọc Phú
Đề xuất riêng cho bạn: Bán yến sào ở Gia Lai
Khi cầm trên tay ổ bánh mì bà Nhứt (đường Trần Khánh Dư), cô bạn thân của tôi vẫn thường ví von sự thú vị, sức hấp dẫn của cùi bánh với mũi tên của thần Cupid. Tiểu sử của tiệm bánh mì này thì dài cả thước, nếu muốn biết phải đi hỏi những người già. Không hàng quán cầu kỳ, khang trang, tiệm “Bánh mì bà Nhứt” chỉ vỏn vẹn có 2 chiếc ghế nhựa đặt cạnh xe bánh mì nhỏ, nhưng đã ghi dấu trong lòng người dân Phố núi từ những năm 80 của thế kỷ trước. Tiệm bánh thú vị ở chỗ, là địa chỉ duy nhất dùng điện thoại bàn để nghe khách đặt bánh. Chủ quán ít nói, chỉ thoăn thoắt dùng dao cắt hông bánh mì để lộ ra khoảng trống trắng xốp, bỏ vào trong ấy tất cả tinh túy của nhân bánh. Gia vị rất nhẹ, thanh mát và rất vừa miệng khách. Giá cả thì từ lâu vẫn vậy, chỉ phải tốn từ 10 đến 15 ngàn đồng để thưởng thức ổ bánh đầy đặn, ngon ngon, thơm nồng này.
Cũng gần 30 năm, sau nhiều lần đổi chỗ, xe “Bánh mì Liên” giờ đặt cố định ngay đầu đường Cách Mạng Tháng Tám. Xe bánh mì đã đi vào lòng người yêu ẩm thực Phố núi một cách bình dị, đơn sơ nhờ ổ bánh vô cùng đơn giản với nhân bánh đậm đà gồm: pa tê, chả lụa, thịt thưng… cộng với lòng hiếu khách và nụ cười tươi roi rói của người bán. Tất cả tạo nên sự quyến luyến, cảm giác như níu chân người, cứ muốn quay lại khi đã từng “lỡ” thưởng thức ổ bánh mì nơi đây.
Thực khách sẽ không bao giờ quên được sự chu đáo, tận tình, dễ thương của bà chủ tiệm “Bánh mì Hạnh” (đường Hai Bà Trưng) đã gần 27 năm gắn bó với nghề. Bà chủ tiệm luôn gia giảm thêm chút chu đáo và tăng niềm vui vào trong mỗi ổ bánh mì. Với bà Hạnh, việc chuẩn bị nguyên liệu từ rất sớm mặc dù bà chỉ mở tiệm lúc chiều tối đến tầm khuya là hết bánh. Đứng quầy tự tay chế biến mỗi ổ bánh mì cho khách không chỉ là công việc mà nó còn là niềm vui, là tình yêu của bà đối với hàng quán thân thương, ăm ắp tình yêu. Trải qua ngần ấy thời gian, vị bánh mì ở đây vẫn không hề thay đổi, vẫn kiểu bánh mì truyền thống với pa tê tự tay chế biến, kẹp thêm lát chả, thịt heo thưng xắt sợi nhỏ, kèm nước lèo còn riêu riêu lửa. Tất cả mới thú vị làm sao!
“Bánh mì chị Hà” thường bán ở chợ đêm (cổng chợ đường Nguyễn Thiện Thuật) với ổ bánh mì xíu mại. Người bán cho vào nhân bánh viên xíu mại ngon ngọt, không có nước nhưng vị mằn mặn thấm đều, lan tỏa khắp vị giác, thêm pa tê còn nóng hổi trên lò, miếng chả bò đậm vị, hành ngò, dưa chua sóng sánh bên trong ổ bánh khó lòng mà cưỡng lại. Đôi lần đùa vui, tôi vẫn nói với cô Hà, ngay cả dưa chua của cô làm chỉ ăn với bánh mì không thôi cũng thấy ngon lắm rồi. Kể cũng lạ, cái món dưa chua này, chỉ ngon khi ăn kèm với bánh mì chứ không phải kết hợp với kiểu ăn nào khác.
Đọc thêm: 18 địa điểm du lịch Gia Lai hấp dẫn bậc nhất
Ngoài các tiệm bánh mì nổi tiếng kể trên, thực khách dễ dàng bắt gặp những tiệm bánh cũng không kém phần đặc sắc, có tiếng như “Bánh mì Phú Loan” (đường Wừu), “Bánh mì bà Lệ” (đường Hoàng Văn Thụ)… Những tiệm ấy giống như những hàng quán ngon có nét đặc trưng phong vị riêng của bánh mì Phố núi.
Dẫu bánh mì bây giờ biến tấu thêm các kiểu như: bánh mì thịt nguội, bánh mì chả cá, bánh mì thịt hộp,… thì ổ bánh mì kẹp thịt truyền thống vẫn luôn níu giữ lòng người. Những chủ tiệm bánh mì ở Pleiku vẫn luôn nuôi niềm đam mê với công việc, duy trì dài lâu cuộc mưu sinh cho gia đình. Và trên hết, với họ, đó là tình yêu với ẩm thực, cùng sự phát triển và gìn giữ thương hiệu riêng, góp phần không nhỏ cho việc quảng bá về ẩm thực đường phố nức tiếng của Phố núi.
NGUYỄN THỊ DIỄM
Nguồn: Báo Gia Lai
Đề xuất riêng cho bạn: Top 16 Homestay Gia Lai Pleiku đẹp giá rẻ gần trung tâm tốt nhất